Thông tin được TS. Nguyễn Thiên Tuế – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) – khẳng định sáng 15/4, tại Hội thảo “Những phương thức đào tạo tốt cần nhân rộng từ dự án JICA-IUH”.
TS. Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu Trưởng IUH: Nhân rộng mô hình đào tạo KOSEN cho các khoa, viện trong toàn hệ thống Nhà trường
Dự án J1CA-IUH được Chính phủ Nhật Bản (JICA) và Bộ Công Thương lựa chọn thực hiện đi vào hoạt động từ tháng 10/2013, với mục tiêu xây dựng mô hình phát triển nguồn nhân lực mới nhằm cung cấp các kỹ sư có năng lực thực hành và có tinh thần sáng tạo cho các ngành công nghiệp hóa chất và công nghiệp cơ khí Việt Nam. Đến nay, dự án đã thực hiện được 3 năm và được mở rộng thêm cho đến năm 2018. Từ khi triển khai dự án đến nay IUH đã tuyển sinh được 2 khóa, với tổng số 251 sinh viên. Khóa tuyển sinh đầu tiên của dự án gồm 131 sinh viên trong đó có 67 sinh viên ngành Hóa học và 64 sinh viên ngành Cơ khí. Tháng 3/2017, toàn bộ sinh viên theo học đã báo cáo giữa kỳ việc thực hiện đề án tốt nghiệp, hầu hết được đánh giá có kết quả tốt.
Ông Hiyasida, Cố vấn trưởng Dự án JICA-IUH:Qua mô hình đào tạo KOSEN, IUH sẽ cung cấp cho ngành công nghiệp Việt Nam những kỹ sư có khả năng thực hành và sáng tạo trong công việc
Ông Hiyasida, Cố vấn trưởng Dự án JICA-IUH, nhấn mạnh mô hình đào tạo KOSEN là chương trình giảng dạy có hệ thống, sinh viên học tập kiến thức nền, kỹ năng giải quyết vấn đề, kết nối doanh nghiệp và tìm kiếm việc làm. Qua mô hình đào tạo KOSEN, IUH sẽ cung cấp cho ngành công nghiệp Việt Nam những kỹ sư có khả năng thực hành và sáng tạo trong công việc.
Các đại biểu tại hội thảo đã tập trung thảo luận về việc đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình PBL (phương pháp dạy học sáng tạo); vận dụng quy trình đào tạo 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sằn sàng) an toàn thí nghiệm và lao động trong công nghiệp; hướng dẫn sinh viên làm thế nào để có định hướng nghiên cứu khoa học; kết nối doanh nghiệp (DN); làm thế nào để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm.
Giảng viên Nguyễn Thị Hà hướng dẫn sinh viên khoa Công nghệ Hoa làm thực nghiệm theo mô hình KOSEN
Việc đào tạo các kỹ năng chuyên nghiệp cho sinh viên để đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp và giúp cho 100% SV ra trường có việc làm là một điều rất quan trọng cho nhà trường. Theo mô hình KOSEN, sinh viên được tiếp cận các kiến thức cơ bản về nghề nghiệp trong năm thứ nhất, học các kiến thức về cơ sở ngành và chuyên ngành vào năm thứ 2 và được cung cấp kiến thức về việc làm, doanh nghiệp, kỹ năng phỏng vấn, cách viết sơ yếu lý lịch, luật lao động.. và được thực tập tại DN vào năm thứ 3…
TS. Nguyễn Thiên Tuế, đánh giá cao hiệu quả giáo dục và đào tạo mà dự án KOSEN đem lại, đặc biệt là phương pháp dạy học sáng tạo (PBL), đề cao việc giáo dục ý thức kỷ luật và vệ sinh an toàn trong lao động, kết nối giữa Trường và DN. Mô hình đào tạo theo KOSEN Nhật Bản với mục đích sinh viên ra trường có việc làm đáp ứng được yêu cầu của DN, đây là mô hình có nhiều nội dung gần với kiểm định chương trình theo chuẩn AUN-QA và ABET. Qua quá trình thực hiện dự án nhận thấy cần thiết nhân rộng mô hình đào tạo KOSEN cho các khoa, viện trong toàn hệ thống Nhà trường.
Thanh Minh
Nguồn: Báo Công Thương